Nguyễn Hữu Lưu (21 tuổi), Trịnh Đức Bình (22 tuổi) và Nguyễn Quang Tạo (22 tuổi) đến từ tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa có cùng một điểm tương đồng đó là cả ba còn rất trẻ, đang có một cuộc sống tốt đẹp với nhiều mơ ước và hoài bão nhưng rồi những tai nạn đáng tiếc xảy ra đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. Họ đều là những công nhân đang làm việc tại các công xưởng như Lưu và Tạo hoặc là công nhân thợ điện như Bình và cả ba đều bị tổn thương tủy sống do tai nạn khi đi xe máy (Tạo năm 2008, Lưu và Bình năm 2010). Mức độ tổn thương tủy sống T 12 đã gây ra việc cả ba đều bị liệt hạ chi và phải sử dụng xe lăn cho việc đi lại.
Cả ba đã được tiếp cận với các dịch vụ điều trị chăm sóc y tế cũng như tư vấn tâm lý và định hướng nghề nghiệp từ Dự án xây dựng khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống tại hai bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng tỉnh (ĐD-PHCN) Bắc Giang và Bệnh viện ĐD-PHCN Trung Ương Thanh Hóa. Cả ba đều được tìm thấy tại cộng đồng trong tình trạng sức khỏe kém, sinh hoạt phụ thuộc vào người thân, tâm trạng chán nản và tuyệt vọng. Họ chỉ biết nằm trên giường gắn chặt với TV và không giao tiếp với những người bên ngoại. Người nhà của Lưu cho biết em thường xuyên nổi giận với người thân. Cả ba đều không có xe lăn thích nghi vì vậy đều chỉ sinh hoạt quanh quẩn xung quanh giường nằm. Riêng Bình thì được tiếp cận chương trình trong thời gian đang được điều trị tại viện với tình trạng vết loét luồng sâu ở hai bên mông đã gần hơn 2 tháng điều trị nhưng vẫn chưa có tiến triển. Khi mới gặp, Bình dường như không muốn giao tiếp với mọi người và không muốn trả lời các câu hỏi phỏng vấn của mọi người. Cả ba đều không có được sự hướng dẫn về các kiến thức cơ bản cho việc tự chăm sóc bản thân và xử lý các biến chứng phát sinh do tổn thương tủy sống.
Cả ba đều cho rằng mình sẽ không làm được gì nữa và điều làm họ tuyệt vọng nhất đó là những ước muốn trong tình yêu, một mái ấm gia đình và những đứa con là những điều dường như không thể.
Kinh tế gia đình của cả ba đều kiệt quệ và không đủ sức theo đuổi tiếp tục chương trình điều trị.
Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Dự án, cả ba đã đồng ý quay lại viện tiếp tục chương trình phục hồi chức năng để tập các kỹ năng tự chăm sóc bản thân như dịch chuyển từ giường sang xe lăn, sang toilet, tự mặc quần áo, tự vệ sinh cá nhân và dịch chuyển với xe lăn vượt qua các chướng ngại vật để đi lại trong các khoảng cách xa hơn. Vết loét của Bình đã hoàn toàn lành khỏi.
Sau khi đã đạt được các kỹ năng nêu trên cả ba đã xuất viện về nhà và chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ cần thiết cho việc đăng ký học khóa đào tạo các kỹ năng tin học tại Trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội (ESTIH) thông qua các thông tin định hướng nghề nghiệp được cung cấp từ bệnh viện trong các gói thông tin xã hội dành cho người khuyết tật.
Sau hai tháng được tiếp nhận học tại trường, chúng tôi đã có cơ hội gặp lại cả ba người và thực hiện cuộc phỏng vấn. Cả ba đã đón tiếp chúng tôi trong căn phòng tập thể với hơn 20 giường dành cho các học viên (những người có cùng hoàn cảnh như các em) với nụ cười rạng rỡ và tràn đầy niềm tin, hi vọng. Các em đã khoe cho chúng tôi xem những tấm hình chụp các em đi chơi hội hoa xuân nhân dịp tết Tây 2012. Không chỉ có các em được đến trường mà các bạn ở cùng phòng bệnh trước đây với những mức độ tổn thương tủy sống tương tự cũng đã có được các thông tin này và đã tham gia khóa học này cùng các em. Tất cả là 6 em đã tham gia chương trình đào tạo với những hỗ trợ như miễn chi phí đào tạo, nơi ở và một phần các phí sinh hoạt từ tổ chức CRS (Catholic Relief Services) một tổ chức phi chính phủ khác đồng hỗ trợ cho người khuyết tật như Handicap International Vietnam (handicapvietnam.org).
Cả ba em giờ đây đã tự tin hơn, đặc biệt là Bình đã cởi mở và chia sẽ ước mơ của em với mọi người. Bình chia sẽ “Em sẽ cố gắng học để đủ khả năng tự mở một cửa hàng photocopy tại nhà”. Còn Lưu thì nói rằng mình sẽ điều hành một cửa hàng trò chơi điện tử tại nhà. Tạo thì mong mình sẽ học thật giỏi để có thể tìm được một công việc tại một công ty như những bạn đã học ở các khóa trước.
Mặc dù còn phải vượt qua một con đường thật dài phía trước với nhiều thách thức như sự kiên trì để theo khóa học đến cuối cùng từ nền tảng trình độ văn hóa tương đối thấp vào lúc đầu (chưa em nào có trình độ văn hóa hết lớp 12). Những điều kiện sinh hoạt chưa được hoàn toàn thích nghi như toilet trong trường vẫn còn quá chật cho việc xe lăn ra vào. Tuy nhiên vượt qua những điều này cả ba em đều bày tỏ niềm quyết tâm của mình để vươn tới tương lai và vượt qua số phận của mình.