LỄ ĐÓNG DỰ ÁN KHOA PHCN TỔN THƯƠNG TỦY SỐNG- 10 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI BỊ TỔN THƯƠNG TỦY SỐNG

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 29/06/2012 Lễ đóng dự án Xây dựng mô hình điều trị và phục hồi chức năng toàn diện cho bệnh nhân tổn thương tủy sống sẽ được tổ chức tại Trung tâm PHCN bệnh viện Bạch Mai. Lễ kết thúc Dự án khép lại hành trình 10 năm đồng hành cùng bệnh nhân liệt tủy và những nổ lực nhằm xây dựng một mô hình điều trị toàn diện và chất lượng cho bệnh nhân của cán bộ đội ngũ nhân viên y tế cũng như đội ngũ nhân viên tổ chức Handicap International.

Mô hình đầu tiên được khởi xây tại Bệnh viện Điều dưỡng – PHCN- Điều trị bệnh nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm 2003, sau đó nhân rộng ra các tỉnh lân cận ở khu vực miền Nam như Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng. Với sự công nhận và khuyến khích ủng hộ nhiệt tình từ chính phủ Việt Nam, đặc biệt là ngành và Bộ Y tế trong chiến lược xây dựng và phát triển chuyên ngành PHCN Dự án đã tiếp tục khởi động giai đoạn hai tại Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai với vai trò Trung tâm tham vấn nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Từ đó mô hình đã tiếp tục lần lượt được nhân rộng ra thêm 4 tỉnh tại khu vực miền Bắc gồm có Bắc Giang, Thanh Hóa, Sơn La và Hà Tĩnh. Mỗi đơn vị bệnh viện đều được trang bị một đơn vị đặc thù chuyên chăm sóc cho người bị liệt tủy.

Với sự thay đổi trong cách nhìn nhận về ngành PHCN – mô hình điều trị cho bệnh nhân liệt tủy đã áp dụng nhiều những kỹ thuật điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế với mục tiêu trọng tâm là nâng cao chất lượng sống cho người có nhu cầu phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng không còn dừng lại ở những kỹ thuật xoa bóp, giảm đau, thư giãn mà hoàn toàn được đánh giá là những kỹ thuật không thể thiếu cho tất cả các quá trình phục hồi sau mỗi quá trình can thiệp y khoa. Do đó PHCN đã trở thành một bộ phận gắn liền và liên quan đến tất cả các chuyên ngành y khác như ngoại khoa, nội khoa, ngoại thần kinh hoặc ngay cả khoa tâm lý và tâm thần.

Một mô hình PHCN toàn diện bao gồm tất cả các dịch vụ điều trị y tế, tâm lý, thể thao và tư vấn xã hội đã được xây dựng, duy trì và nhân rộng trong suốt quá trình triển khai dự án.

Cho đến nay 9 trung tâm được xây dựng đã và vẫn đang duy trì các hoạt động điều trị tại các Bệnh viện ĐD-PHCN ở hai miền Nam- Bắc với tổng số giường bệnh dành cho bệnh nhân liêt tủy là 180 và phục vụ cho hơn 2000 bệnh nhân trong 10 năm vừa.

Sự khác biệt ở các mô hình đó là tạo môi trường thích nghi cho các bệnh nhân dùng xe lăn nhằm tối ưu hóa khả năng tự lập của bệnh nhân trong giai đoạn PHCN (không gian kê giường bệnh rộng đủ cho các bệnh nhân ra vào, nhà vệ sinh được nâng cấp với không gian rỗng rãi phục vụ cho nhu cầu tự chăm sóc vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân). Một số các tiêu chuẩn khác như tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân, quan tâm và chăm sóc vấn đề tâm lý, xây dựng các hoạt động thể thao ngoại khóa mà trong đó phần trọng điểm là việc luyện tập các kỹ năng sử dụng xe lăn  một cách chuyên nghiệp. Kỹ năng sử dụng xe lăn điệu luyện là chiếc chìa khóa để các bệnh nhân hòa nhập trở lại cuộc sống trước đây nếu họ phải dùng xe lăn để thay thế cho việc đi lại.

Với những thay đổi từ trong quan điểm nhìn nhận về ngành PHCN cũng như việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình điều trị ở điều kiện và bối cảnh Việt Nam hiện nay khi mà số bệnh nhân luôn luôn gấp đôi gấp ba số giường bệnh (2 người/ giường hoặc bệnh nhân nằm đất trong lúc chờ có giường) thật sự là một thử thách không nhỏ trong quá trình triển khai dự án. Sự nổ lực duy trì những tiêu chuẩn này và đảm bảo những yêu cầu của dự án là những cố gắng không nhỏ từ các đối tác của Dự án- không kể miền Nam hay miền Bắc. Dự án đã tìm thấy sự bền vững và tin tưởng rằng đã đến lúc chuyển giao mô hình này cho chính phủ và ngành y tế Việt Nam để có thể tiếp tục phát triển và đưa mô hình này vào một trong những tiêu chuẩn xây dựng mô hình bệnh viện PHCN tiên tiến và hiện đại.

Không có sự cam kết và ủng hộ nhiệt tình từ các đối tác thuộc ngành Y tế Việt Nam thì Dự án đã không thể có được những kết quả như ngày hôm nay. Bài học quý giá nhất mà chúng tôi nhận được và cũng là chiếc chìa khóa dẫn đến sự thành công đó là mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước Việt Nam với các tổ chức hỗ trợ trong và ngoài nước. Một mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp sẽ đem đến sự thành công tuyệt đối cho bất kỳ dự án nào.

Chúng tôi tin rằng trong tương lai ngành PHCN ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục những bước tiến xa hơn nữa và những gì Dự án chưa hoàn thành được ngày hôm nay sẽ được hoàn thiện và tiếp nối trong tương lai một cách thành công hơn.