Nỗ lực để vươn lên
Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật (3 – 12), vừa qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp cùng với tổ chức phi chính phủ quốc tế Handicap tổ chức diễn đàn “Người khuyết tật chia sẻ – vươn lên”. Diễn đàn đã thu hút trên 150 người khuyết tật (NKT) và thân nhân NKT đến từ các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Long Thành và Tp.Biên Hòa tham dự. Qua đó nhiều câu chuyện cảm động về nghị lực vươn lên của những NKT trong cuộc sống đã có dịp được sẻ chia và để lại cho người nghe nhiều ấn tượng sâu đậm.
Lãnh đạo sở LĐ-TB&XH tặng hoa cho các tấm gương NKT điển hình.
* Những tấm gương vượt khó
Năm nay mới 35 tuổi song chị đã trải qua 25 năm sống cùng bóng tối. Nhưng không phải chị bị mù bẩm sinh mà đó là kết quả đau lòng sau một lần uống nhầm thuốc điều trị sốt. Dằn vặt, tự ti, mặc cảm suốt một thời gian dài nhưng nhờ tình yêu thương bao la của người mẹ, chị đã đứng dậy lần mò trong bóng đêm vươn lên thành người có ích trong cuộc sống. Đó là câu chuyện đầy cảm động về nghị lực vượt khó của cô gái mù Nguyễn Thị Kiều Giang, huyện Trảng Bom. Hiện nay, chị không chỉ là người mẹ, người vợ đảm trong một gia đình nhỏ hạnh phúc mà ngoài xã hội, chị cũng là chỗ dựa vững chắc cho hàng trăm NKT trên địa bàn huyện, giúp họ tìm được công ăn việc làm và nơi sinh hoạt tinh thần ổn định. Trong cương vị chủ tịch hội người mù của huyện, chị đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, học tập và luôn mở rộng cửa giang tay đón những người kém may mắn trong hình hài tụ họp về đây ổn định cuộc sống.
Một tiết mục văn nghệ tại diễn đàn của các em học sinh đến trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh.
Hay câu chuyện của vận động viên khuyết tật Nguyễn Văn Bích về niềm đam mê thể thao đến bị đuổi việc. Anh Bích được xem là người có nhiều huy chương nhất của đoàn vận động viên khuyết tật Đồng Nai. Đến nay, trong bộ sưu tập của anh đã có trên 50 huy chương các loại. Cũng vì quá đam mê thể thao mà cách đây 2 năm khi ông chủ doanh nghiệp nơi anh làm việc đưa ra tối hậu thư: hoặc tiếp tục làm việc nếu nghỉ thi đấu và ngược lại. Và anh đã chọn giải pháp nghỉ việc để đi thi đấu dù biết chắc gánh nặng cơm áo gạo tiền của một gia đình 2 vợ chồng với 2 con nhỏ và một mẹ già sẽ khó khăn đến thế nào. Trở về sau cuộc thi, không khuất phục trước cuộc sống, anh lại thử sức mình trong lĩnh vực mới là sản xuất và kinh doanh nghề thủ công. Tuy công việc đã ổn định song vẫn còn rất nhiều chông gai phía trước. Chỉ mong có thêm ít vốn đầu tư mua máy móc để giải phóng bớt sức lao động và tăng thu nhập cho gia đình, anh Bích bày tỏ.
* Chung tay chia sẻ
Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng chi cục Bảo trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, kết quả điều tra, rà soát NKT và trẻ em khuyết tật tại cộng đồng dân cư và các trung tâm, cơ sở bảo trợ năm 2011 cho thấy, toàn tỉnh có trên 23.235 NKT nặng và đặc biệt nặng trong đó trẻ em từ 0 – 16 tuổi là 2.460 người. Các dạng tật bao gồm: tật vận động chiếm nhiều nhất 51,8%; tật thần kinh, tâm thần chiếm 24,65%; tật nghe, nói chiếm 19,5%; tật trí tuệ chiếm 16% còn lại là các dạng tật khác… Thời gian qua, thực hiện các quy định pháp luật về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã chi trả trợ cấp cho 15.613 đối tượng, chiếm 68% tổng số NKT. Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao năng lực nhận thức cho cán bộ, công tác và cả bản thân mỗi NKT. Đảm bảo công tác vận động trẻ em khuyết tật trong độ tuổi tham gia chương trinh giáo dục hòa nhập cho 746 lượt; phối hợp với các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh tổ chức khám bệnh và phục hồi chức năng cho 1.341 lượt trẻ khuyết tật, chưa kể hỗ trợ dụng cụ di chuyển, y tế…
Nhằm tạo điều kiện cho NKT vẫn còn khả năng lao động được tạo việc làm ổn định, sở LĐ-TB&XH cũng đã hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho các trường, trung tâm dạy nghề để dạy nghề cho NKT. Bên cạnh đó, tổ chức giới thiệu việc làm cho gần 200 người lao động khuyết tật đến các doanh nghiệp tìm việc.
Với mong muốn được cộng đồng sẻ chia bớt khó khăn, diễn đàn đã thu hút đông đảo NKT, thân nhân NKT cũng như đại diệnban, ngành tham dự.
Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức của NKT trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng khẳng định vai trò của mình trong vấn đề tự vươn lên hòa nhập vào cuộc sống. Tiêu biểu như Hội người mù tỉnh Đồng Nai. Hiện trên 1.600 hội viên của hội đang được trợ giúp các hoạt động như: hỗ trợ vốn vay sản xuất kinh doanh, dạy nghề, trợ cấp học bổng với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Riêng trong 2 năm 2011 – 2012, đã có 70 NKT tham gia hoàn thành học nghề và tìm được việc làm ổn định: nghề in, xoa bóp bấm huyệt, pha chế nước uống, tin học, chăn nuôi. Ngoài ra, hội tàn tật tương trợ vươn lên huyện Xuân Lộc cũng đã chỉ động tạo việc làm cho hơn 100 lượt hội viên…
Tuy còn nhiều khó khăn trong cuộc sống như: hạn chế tiếp cận chính sách xã hội, tiếp cận công trình, dịch vụ công công cộng do nhiều nguyên nhân. Song cũng cần nhìn nhận rằng đang có một bộ phận không nhỏ NKT vẫn miệt mài nỗ lực vươn lên, xóa bỏ mặc cảm để khẳng định với xã hội một điều tưởng như cũ họ tàn nhưng không phế. Thời gian tới, sở LĐ-TB&XH cũng sẻ tiếp tục huy động mọi nguồn lực vào việc chăm lo cho NKT nhằm hướng tới 100% NKT đủ điều kiện được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, ông Thành cho biết thêm. Để biết thêm thông tin, xin hãy liên lạc với chúng tôi